Hiển thị các bài đăng có nhãn giá bán m10. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn giá bán m10. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016

Đánh giá nhanh Canon EOS M10

Đánh giá nhanh Canon EOS M10

Các năm gần đây xu hướng người dùng máy ảnh có sự thay đổi khi phần lớn người dùng chuyển sang sử dụng máy ảnh mirrorless hay còn gọi là máy ảnh không gương lật được ưa chuộng trong khi đó nhà sản xuất DSLR hàng đầu như Canon lại không có biểu hiện nhiều về xu hướng này. Trong năm 2012 Canon có giới thiệu 1 phiên bản mirrorless đầu tiên của hảng là chiếc EOS M với thiết kế tối giản kèm khả năng điều chỉnh hạn chế cùng mức giá bán cao nên không gây ấn tượng nhiều cho người dùng.

Những máy ảnh kế nhiệm là M2 và M3 đi theo hướng chuyên nghiệp hơn, nhưng có lẽ Canon vẫn muốn giới thiệu thêm nhiều mẫu mirrorless tối giản về thiết kế và giao diện sử dụng. Đó là lý do hãng giới thiệu EOS M10 vào cuối năm 2015 vừa qua, sản phẩm mới nhất trong dòng máy ảnh không gương lật của Canon.



Máy ảnh Canon EOS M10 có mặt tại thị trường Việt Nam từ đầu năm 2016. Máy được bán kèm với ống kính Canon EF-M 15-45mm F3.5-6.3 STM, giá niêm yết của bộ đôi này là 10,5 triệu đồng, là mức thấp và tương đương với giá mới của những bộ kit DSLR hoặc mirrorless cơ bản. Trong bài viết này chúng tôi sẽ đánh giá cả bộ đôi nói trên.

Thiết kế thân máy EOS M10



Thân máy M10 chỉ nhỏ gọn như một chiếc compact

Nếu không tính phần ống kính rời, thân máy M10 nhỏ gọn như một chiếc máy compact. Máy có lựa chọn màu đen hoặc trắng, chiếc màu trắng có vẻ ngoài khá dễ thương nên phù hợp với người dùng là nữ. Khi lắp thêm ống kính 15 – 45 mm vào thì máy vẫn nhỏ gọn và có thể bỏ vào túi xách. Ngoài ra, Canon còn cung cấp phụ kiện vỏ ốp nhiều màu sắc để tùy biến vẻ ngoài cho máy (bán rời).



Kể cả khi gắn ống kính vào thì máy vẫn nhỏ gọn và có thể bỏ trong túi xách



Phiên bản màu trắng…



…và phiên bản màu đen khi được lắp thêm vỏ ốp

Tuy nhiên, thiết kế quá nhỏ gọn lại khiến việc cầm nắm, điều chỉnh thông số trên M10 không tiện. Phần bên phải ở mặt trước phẳng, không có báng cầm lồi ra nên khó cầm chắc. Máy cũng chỉ có một vòng xoay ở nút chụp, 5 nút bấm ở mặt sau nên việc chỉnh thông số, chế độ chụp phần lớn phụ thuộc vào màn hình cảm ứng 3 inch làm thao tác chậm đi khá nhiều nếu chưa quen; đôi lúc bạn phải bấm vài lần mới có thể thực hiện điều chỉnh mong muốn.





Máy chỉ có một vòng xoay ở nút chụp, cùng vài nút bâm ở mặt sau nên việc điều chỉnh không linh hoạt

Để có kích thước vuông vắn, M10 cũng bị cắt bỏ luôn phần ống ngắm, nên việc ngắm và xem lại ảnh đều thực hiện thông qua màn hình. Màn hình của máy có khả năng hiển thị tốt, có thể dùng được khi nhìn dưới nắng và xoay được 180 độ nên tiện chụp “tự sướng”.



Phần lớn lựa chọn, chỉnh sửa sẽ được thực hiện trên màn hình cảm ứng



Màn hình của M10 hiển thị tốt, có khả năng xoay 180 độ để hỗ trợ chụp “tự sướng”

Ở phần đỉnh máy, bạn sẽ thấy nút gạt chuyển giữa 3 chế độ: chụp ảnh hoàn toàn tự động, chụp ảnh và quay phim. Máy không có chân gắn flash rời, nhưng được tích hợp flash cóc cho những trường hợp cần thiết. Nút quay phim và chức năng WiFi được tách rời để người dùng tiện bấm, cho thấy Canon nhấn mạnh hai tính năng này.



Máy được tích hợp flash nhưng không có chân cắm flash rời





Nút quay phim và WiFi riêng biệt giúp người dùng dễ truy cập hơn

Nhìn chung thiết kế của EOS M10 nhấn mạnh vào sự tối giản, gọn nhẹ và kiểu dáng dễ thương. Để đánh đổi lại sự gọn nhẹ, M10 phải hi sinh nhiều nút bấm, vòng xoay và quá phụ thuộc vào màn hình cảm ứng, nên sẽ mất điểm đối với những người muốn thiết kế máy ảnh thuận tiệc cho việc điều chỉnh.

Thông số và các tính năng EOS M10



M10 sử dụng cảm biến APS-C và ống kính ngàm EF-M

EOS M10 được trang bị cảm biến APS-C có độ phân giải 18 megapixel, tỉ lệ khuôn hình 3:2. Dải ISO điều chỉnh được của máy là từ 100 – 12800, có thể lên tới 25600 ở chế độ tự động. Máy sử dụng chip xử lý DIGIC 6, hỗ trợ xuất hình RAW 14-bit, quay video Full HD ở tốc độ 30fps và HD ở 60fps.



Bộ chuyển giúp sử dụng ống kính ngàm EF/EF-S trên M10 với đầy đủ chức năng

EOS M10 sử dụng ngàm ống kính EF-M của Canon. Hiện tại Canon mới chỉ phát hành 5 ống kính ngàm EF-M, trong đó chỉ có một ống fix tiêu cự 22mm. Tuy nhiên đây cũng không hẳn là một nhược điểm với người đang sử dụng hệ thống DSLR của Canon. Bạn có thể mua bộ chuyển đổi ngàm EF/EF-M với giá khoảng 1,5 triệu đồng để tận dụng các ống sẵn có dùng ngàm EF và EF-S. Do đều là hệ thống của Canon nên các ống cắm qua bộ chuyển vẫn hỗ trợ các tính năng như lấy nét hoặc IS như bình thường, là điểm vượt trội so với bộ chuyển sử dụng trên các hệ thống khác.



Máy có cổng xuất Mini-HDMI và cổng kết nối Mini USB

Máy được trang bị cổng Mini USB giống như những chiếc DSLR chứ không phải MicroUSB giống như trên G5X. Cổng USB trên chiếc máy ảnh EOS M10 chỉ dùng để kết nối máy tính chứ không có tính năng sạc, do vậy bạn không thể dùng sạc dự phòng để bổ sung pin nếu cần.

M10 có cả hai kết nối phổ thông là NFC và WiFi, cho phép người dùng kết nối smartphone với máy ảnh rất nhanh chóng để điều khiển chụp ảnh và lấy ảnh trong thẻ, với nút kết nối đặt ở hông máy rất nhanh gọn. Dịch vụ Canon Image Gateway giúp kết nối máy ảnh với các dịch vụ lưu trữ ảnh và mạng xã hội lớn như Flickr, Facebook…

Đánh giá chất lượng chụp ảnh

Ống kính 15 – 45 mm F3.5-5.6 IS STM theo kèm trên M10 có tiêu cự tương đương 24 – 72mm trên máy Full frame. Khoảng tiêu cự này là phù hợp để chụp với nhiều thể loại từ đường phố, trong nhà, chân dung hay phong cảnh dù khả năng “xóa phông” sẽ hạn chế do khẩu độ nhỏ. Ống kính này cũng thể hiện một số điểm yếu khi chụp, đặc biệt là ở khả năng lấy nét.



Độ nét của ống kính không cao

Canon áp dụng hệ thống lấy nét Hybrid CMOS AF II trên M10, với 49 điểm lấy nét đem lại tốc độ lấy nét rất nhanh và tương đương với EOS M2 hoặc EOS 100D. Tuy nhiên ảnh không đạt độ nét “căng” dù điều chỉnh lấy nét ở trung tâm, và thử qua cả chế độ lấy nét bằng tay (có hỗ trợ từ tính năng Peak Focusing – tự động báo nét vào từng vùng trong ảnh) và lấy nét tự động. Khả năng chạm màn hình cảm ứng để chọn điểm lấy nét cũng giúp cho việc lấy nét dễ dàng hơn với những người chưa quen chỉnh.



Hiện tượng viền xanh ở các vùng tương phản khá rõ

Ống kính cũng gặp một vấn đề khác là hiện tượng viền xanh/tím. Hiện tượng này có thể nhận thấy rõ ở phần viền của các đối tượng có độ tương phản mạnh với nền, như trong bức ảnh ở trên.







Ảnh chụp trong nhà, ánh sáng tốt





Ảnh chụp ban ngày, trời nắng nhẹ

Đối với những người không rành chụp ảnh thì chế độ chụp hoàn toàn tự động của M10 là đủ cho những cảnh chụp không quá phức tạp. Máy đo sáng tốt, tự động đặt tốc độ màn trập và ISO hợp lý nên khi chụp buổi tối ảnh cũng ít bị rung. Chế độ cân bằng trắng tự động cũng hoạt động tốt, cho ra màu sắc chuẩn.



Ảnh chụp ban ngày, trong nhà





Ảnh chụp buổi tối, ánh sáng từ đèn đường. Ở mức ISO từ 2500 – 3200, có thể nhận thấy nhiễu khi phóng to





Ảnh chụp buổi tối, ISO 800

M10 cũng có khả năng khử nhiễu tốt ở mức ISO cao. Ở mức ISO dưới 400, ảnh cho ra rất trong và độ chi tiết cao. Nhiễu bắt đầu xuất hiện ở ISO 800, nhưng không nhiều và chỉ thấy rõ khi phóng, soi ảnh ở kích thước tối đa.



Ảnh chụp từ M10 ở các mức ISO khác nhau. Bấm vào ảnh để xem ở kích thước lớn hơn

Tại mức ISO 1600 nhiễu vẫn được kiểm soát tốt, đi kèm dải sáng ổn định. Nhiễu bắt đầu xuất hiện nhiều ở mức ISO 6400. Máy hỗ trợ mức ISO tối đa tới 12800, nhưng có lẽ nó chỉ thực sự cần thiết nếu bạn phải chụp được ảnh ở điều kiện sáng rất kém.

Bên cạnh chế độ tự động, M10 cũng trang bị nhiều chế độ chụp sáng tạo, trong đó chế độ Creative Assist sẽ tạo ra 6 bức ảnh được chỉnh sửa sẵn bên cạnh ảnh gốc. Bạn cũng có thể áp dụng các chế độ như HDR, chụp đen trắng hay chế độ chụp thức ăn để có hiệu quả tốt hơn.



Bạn có thể chọn chế độ chụp đen trắng hoặc HDR ngay trên máy để có hiệu ứng khác biệt

Khi tùy chọn lưu file JPEG, Canon EOS M10 có tốc độ lưu ảnh nhanh. Nếu chọn chế độ lưu ảnh RAW thì tốc độ lưu ảnh của máy vẫn chấp nhận được, nhỉnh hơn chiếc G5 X mà chúng tôi từng đánh giá.

Với mỗi lần sạc đầy, viên pin của M10 có thể chụp được khoảng 300 tấm ảnh. Đây là con số trung bình, tiếc là Canon không hỗ trợ sạc qua cổng USB trên máy như với chiếc G5 X để người dùng tận dụng những viên pin dự phòng đang rất phổ biến hiện nay.

M10 cho phép điều chỉnh khá chi tiết khi quay phim, tiện lợi nhờ khả năng lấy nét cảm ứng. Tuy nhiên sự giới hạn về độ phân giải (chỉ quay được 25fps ở độ phân giải Full HD) làm hạn chế khả năng quay phim của máy.

Kết luận

Mặc dù là một chiếc mirrorless nhưng Canon EOS M10 mang những nét thiết kế và tính năng gần với máy ảnh compact hơn. Việc thao tác nặng về cảm ứng, ít nút điều chỉnh, không linh hoạt khi chỉnh các thiết lập sâu, chế độ tự động đơn giản và chất lượng… là những điều mà người dùng máy ảnh ngắm-và-chụp hay smartphone quen thuộc. Với cảm biến lớn, chất lượng của chiếc máy này vẫn ở mức tốt, điểm ấn tượng nhất là khả năng khử nhiễu.

So với nhiều thương hiệu trong dòng mirrorless như Sony mạnh về công nghệ, Fujifilm với thiết kế trang nhã và chất ảnh thú vị, hay các hãng chuyên dòng M4/3 như Olympus, Panasonic, sự khác biệt của M10 chính là ở “hệ sinh thái” Canon. Khi dùng bộ chuyển đổi ngàm, bạn sẽ tận dụng được rất nhiều ống kính chất lượng sử dụng ngàm EF và EF-S từ Canon và các ống kính “for”, với nhiều tính năng hơn so với bộ chuyển trên các hệ máy khác. Tuy nhiên, trong dải ống kính EF-M thì lựa chọn lại rất hạn chế, hiện chỉ có đúng 1 ống fix.

Với giá bán EOS M10 trên thị trường chỉ ngoài 9 triệu cho bộ kit M10 và ống kính 15 – 45mm, sản phẩm này có thể là bước khởi đầu cho việc “dấn thân” vào nghiệp cầm máy của fan Canon, hoặc là một bộ mirrorless phụ trợ cho những người dùng đang sở hữu máy ảnh DSLR và bộ ống Canon chuyên nghiệp.

( Nguồn: vnreview.vn)